Kiến trúc Pháp cổ ở Đà Lạt

Nếu như muôn vàn sắc hoa với những cánh rừng thông bạt ngàn đã tạo cho không gian Đà Lạt rất quyến rũ và nên thơ thì những nét chấm phá của các công trình kiến trúc đã mang lại cho nơi đây một không gian rất cổ kính và bình yên. Trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm thì những công trình kiến trúc ấy vẫn luôn trường tồn với thời gian và giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của mình. Cùng Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Du lịch Nhất Nga khám phá những công trình kiến trúc cổ kính ở Thành phố sương mù này nhé

 

1. Nhà thờ con gà:

Tọa lạc trên con đường Trần Phú, một khu vực trung tâm Thành phố Đà Lạt, nhà thờ chính tòa hay còn được gọi là nhà thờ con gà đã là điểm dừng chân của biết bao nhiêu khách thập phương đến đây. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1942, nhà thờ con gà thực sự là một công trình mang phong cách Châu Âu, với tổng thể hình chữ thập dài 65m, rộng 14m với điểm cao nhất là tháp chuông cao 47m. Sở dĩ được gọi là nhà thờ con gà vì trên đỉnh tháp chuông có gắn một biểu tượng hình con gà trống lớn, một biểu tượng của sự sám hối theo kinh Tân ước. Tượng con gà được làm bằng hợp kim nhẹ, bên trong được tráng một lớp hóa chất đặc biệt, đặt trên một trục quay và có thể quay theo hướng của gió. Ngoài ra, tượng con gà còn có tác dụng như một cột thu lôi để bảo vệ cho nhà thờ bền vững theo năm tháng. Điểm nhấn của kiến trúc nhà thờ này chính là 70 tấm kính màu, dấu ấn của kiến trúc nhà thờ Châu Âu thời Trung cổ. Những tấm kính này vừa có tác dụng chiếu sáng nội thất thánh đường, vừa có tính trang trí thẩm mỹ độc đáo, lạ mắt. Đồng thời, các cửa sổ đều có vòm cung tròn, phần mái được lợp bằng ngói thạch bản. Đã hơn 7 thập kỷ trôi qua, nhà thờ vẫn giữ được nét cổ kính của công trình kiến trúc Roman tuyệt đẹp mang phong cách Châu Âu.

 

2. Ga Đà Lạt:

Nằm trên một sườn đồi dài và bằng phẳng, Ga Đà Lạt là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách với chiều dài 66m, rộng 11.5m, cao 11m đây là nhà ga được các kiến trúc sư người Pháp rất chú trọng, họ đưa yếu tố nghệ thuật kiến trúc kết hợp cùng ý nghĩa công trình vào việc xây dựng một công trình có tính kỹ thuật cao. Khá nhiều du khách thắc mắc vì sao không đặt Ga Đà Lạt ở một vị trí khác mà lại đặt ở nơi này …Lý do thứ nhất là vì theo đồ án của ông Revéron và vị trí lại gần hồ Xuân Hương, lý do thứ hai vô cùng đặc biệt là vì vị trí này là vùng đất bằng hiếm hoi ở Đà Lạt, ngày xưa đường sắt là phương tiện giao thông quan trọng nhất để vận chuyển thông, cà phê, rau củ quả từ Đà Lạt sang các vùng khác nên việc chọn vị trí thuận lợi rất quan trọng. Kiến trúc Pháp hiện diện rõ ở thiết kế mái vòm rất hài hòa, ấn tượng nhất của công trình kiến trúc cổ này là thiết kế ba chóp mái nhọn liền kề nhau khiến nhiều du khách liên tưởng đến hình ảnh ba ngọn núi Langbiang hùng vĩ của Đà Lạt. Hiện tại, hệ thống nhà ga Đà Lạt chỉ còn hoạt động tuyến đường từ ga Đà Lạt đến Trại Mát tầm khoảng 7km để phục vụ du khách tham quan ngắm cảnh trên đường đi. Điểm cuối cùng khách tham quan là Chùa Linh Phước – hay còn được gọi là chùa Ve Chai – một kiến trúc Phật giáo đặc sắc và cùng khám phá thị trấn Trại Mát.

 

3. Cao đẳng sư phạm Đà Lạt:

Ngôi trường có lối kiến trúc Pháp cổ tuyệt đẹp được công nhận là 1 trong số 1000 công trình xây dựng độc đáo tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX. Chính vì kiến trúc hài hòa độc đáo cùng với không gian thoáng đãng trong lành mà trường Cao đẳng sự phạm Đà Lạt đã trở thành một điểm đến vô cùng yêu thích của giới trẻ khi đặt chân đến Thành phố sương mù này. Điểm nổi bật trong kiến trúc của trường là dãy giảng đường chính hình vòng cung với chiều dài phía trước 77,18m, phía sau 89,8m, gồm 3 tầng lầu với 24 phòng học. Gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang. Mái được lợp bằng ngói làm từ nước Pháp, hiện đã được thay thế do các tấm ngói cũ đã không còn sử dụng được nữa. Đầu dãy nhà hình vòng cung là một tháp chuông cao 54m. Phía bên ngoài tháp chuông từng có một chiếc đồng hồ cổ nhưng sau thời gian trường tồn đến nay chỉ còn có thể thấy vết tích in lại trên nền gạch đỏ. Gần như đứng ở bất cứ điểm cao nào của thành phố Đà Lạt nhìn về trung tâm người ta cũng có thể nhìn thấy tháp chuông và biểu tượng kiến trúc cong cong vòng cung của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Có thể nói công trình này là một “báu vật kiến trúc” không chỉ của riêng Đà Lạt mà là của toàn Việt Nam nói chung.

 

4. Khách sạn Đà Lạt Place:

Và nói đến những công trình kiến trúc Pháp cổ lâu đời, du khách không thể bỏ qua một kiến trúc cổ nổi bật đó là khách sạn Dalat Place. Khách sạn Dalat Palace là một công trình kiến trúc kiểu Pháp với diện tích rộng đến hơn 40 nghìn m2, có 38 phòng và 5 phòng căn hộ, chung quanh là vườn hoa, thảm cỏ, rừng thông, từ phía khách sạn nhìn ra du khách có thể chiêm ngưỡng tất cả các cảnh quan kiến trúc tuyệt đẹp như: nhà hàng Thủy Tạ, hồ Xuân Hương, đồi Cù,… được thiết kế có mặt tiền hướng về phía núi Lang Biang. Datlat Place sở hữu một hệ thống bậc thang trải dài theo sườn đồi, từ phía Hồ Xuân Hương kéo dài đến lối vào chính làm cho khách sạn Palace thêm phần đồ sộ, độc đáo. Tất cả đều được trang bị thiết bị, đồ dùng sang trọng, nhiều phòng có lò sưởi, được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại kết hợp với trường phái cổ điển. Khách sạn gồm 3 tầng, phần tầng trệt nhô cao hơn mặt sân để tạo thêm một tầng hầm và lối vào với hệ thống bậc thang sang trọng. Nếu có cơ hội nghỉ dưỡng tại đây, du khách sẽ thấy một khách sạn Palace tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ nhìn xuống hồ Xuân Hương rất thơ mộng và nguy nga như một tòa lâu đài nổi bật giữa những rặng thông xanh ngát. Ghi dấu một công trình kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu đầu thế kỷ XX.

 

5. Dinh Bảo Đại:

Tiêu biểu cho kiến trúc cổ điển Pháp tại Đà Lạt, không thể không nhắc đến Dinh III hay được gọi là Dinh Bảo Đại, một tòa dinh thự vô cùng nguy nga tráng lệ, gắn mình trong khung cảnh thơ mộng của một đồi thông ở độ cao 1539m trên đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm Đà Lạt chừng 2km về hướng Tây - Nam. Được xây dựng từ năm 1933 do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế gồm 25 phòng, trước và sau biệt thự đều có vườn hoa. mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu.  Dinh III nằm giữa rừng Ái Ân, trên đỉnh đồi mà trong dự án chỉnh trang Ðà Lạt của Ernest Hébrard dành cho dinh toàn quyền. Hiện nay, Dinh III còn được bảo tồn gần như nguyên trạng khiến cho du khách đến đây có thể cảm nhận một bầu không khí vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi, ấm cúng của một gia đình hoàng tộc. Thành phố Đà Lạt được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu với nhiều công trình kiến trúc mang giá trị đặc sắc. Các khu dinh thự của vua Bảo Đại đã góp phần tạo nên dấu ấn của thành phố cao nguyên đầy thơ mộng này.

 

Hotline:
0919.345.788
Tour : Ms Nga -(+84) 28 6681 7653
Skype:
Email: info@nhatnga.com.vn

0919345788